Trong sách Cửu Âm Chân Kinh có ghi chép về các loại võ công uyên thâm, uy lực vô tận. Những nguyên lý võ thuật thượng thừa gần như không thể tách khỏi nội dung của Cửu Âm Chân Kinh.
Bách khoa toàn thư về võ thuật
Cửu Âm Chân Kinh có ghi chép cả về nội công, quyền, chưởng, đao pháp, kiếm pháp, trượng pháp, côn pháp, chỉ trảo, mật kỹ điểm huyệt, phương pháp trị thương, bế khí thần công, di hồn đại pháp,vv…
Chỉ cần luyện thành thạo một môn trong này cũng đủ trở thành bậc võ thuật kiệt xuất, giống như Mai Siêu Phong luyện thành Cửu Âm Chân Kinh bạch cốt trảo đã làm người trong giang hồ nghe danh đã sợ mất mật, rong ruổi trên sa mạc khó có người dám đối đầu.
Theo tiểu thuyết ghi chép thì Cửu Âm Chân Kinh là do Hoàng Thường viết dựa trên nền tảng các bí kíp võ thuật của Đạo gia, gồm hai quyển thượng và hạ.
Quyển thượng bao gồm các bí kíp rèn luyện nội công căn bản của Đạo gia, Quyển hạ gồm các chiêu thức khắc địch và bảo vệ thân thể. Sau khi Hoàng Thường mất bí kíp này bị lưu lạc trên giang hồ và rơi vào vòng xoáy tranh đoạt của nhân sĩ võ lâm.
Truyền thuyết về Cửu Âm Chân Kinh
Trong truyện Anh hùng Xạ Điêu có ghi chép từng có năm người tranh đoạt Cửu Âm Chân Kinh trên đỉnh Hoa Sơn còn được gọi là Hoa Sơn luận kiếm, đó là Đông Tà Hoàng Dược Sư, Tây Độc Âu Dương Phong, Nam Đế Đoàn Trí Hưng, Bắc Cái Hồng Thất Công, và Trung Thần Thông Vương Trùng Dương.
Kết quả Vương Trùng Dương giành được Cửu Âm Chân Kinh. Ông định đốt sách để tránh họa tàn sát trong võ lâm, nhưng lại tiếc một bí kíp tuyệt kỹ nên giấu nó đi. Trước khi chết, ông đã giao cho sư đệ của mình là Lão Ngoan đồng Chu Bá Thông giấu hai quyển sách ở hai nơi khác nhau để cho quyển sách không rơi vào tay kẻ ác.
Lúc giấu sách, Chu Bá Thông bị vợ Hoàng Dược Sư đánh lừa, với trí nhớ siêu phàm bà đọc qua một lần và nhớ hết quyển hạ, bà về viết lại cho Hoàng Dược Sư luyện nhưng chưa kịp luyện thì bị học trò là vợ chồng Mai Siêu Phong, Trần Huyền Phong lấy trộm trốn đi, sau đó luyện ra loại võ công âm độc như Cửu âm bạch cốt trảo. Vợ Hoàng Dược Sư cố gắng nhớ lại viết lại sách cho chồng, lúc đó bà đang mang thai nên bị kiệt sức và mất sau khi sinh con. Chu Bá Thông biết được đến đảo Đào Hoa đòi sách và đánh nhau với Hoàng Dược Sư nhưng thua trận bị nhốt trong động đá.
Sau này Quách Tĩnh vô tình có được quyển hạ của Cửu Âm Chân Kinh khắc trên người Trần Huyền Phong, rồi cùng Hoàng Dung nghiên cứu luyện được Thần công trong chân kinh.
Sau đó lại gặp được Chu Bá Thông, được ông chỉ giúp nên lĩnh hội hết toàn bộ Cửu Âm Chân Kinh, trở thành cao thủ võ công cao cường. Chu Bá Thông cũng vô tình luyện được chân kinh nên thành nhân vật có võ công bậc nhất.
Trong truyện Thần điêu hiệp lữ, Cửu Âm Chân Kinh đã tái xuất. Vương Trùng Dương trước khi chết đã ghi lại một phần Cửu Âm Chân Kinh trong thạch động Hoạt Tử Nhân (của phái Cổ Mộ) mà Dương Quá và Tiểu Long Nữ là hai người có vô tình luyện được bí kíp này.
Cửu Âm Chân Kinh được vợ chồng Quách Tĩnh, Hoàng Dung giấu trong kiếm Ỷ Thiên, sau đó Chu Chỉ Nhược của phái Nga Mi và truyền nhân phái cổ mộ (trong Ỷ thiên đồ long ký) lấy mất và luyện thành Cửu Âm Chân Kinh bạch cốt trảo.
Cửu âm bạch cốt trảo trong Cửu Âm Chân Kinh mà Chu Bá Thông truyền dạy Quách Tĩnh thực chất có tên là Cửu âm Thần trảo.
Khi luyện Cửu âm thần trảo thì chỉ dùng tay đánh vào vách đá để luyên tập, nhưng Mai Siêu Phong cùng Trần Huyền Phong chỉ có được nửa quyển hạ Cửu Âm Chân Kinh, tập luyện theo đó mà không hiểu triết lý võ công của Đạo gia là dùng xua quỷ trừ tà để trường sinh dưỡng mệnh chứ không phải để sát nhân tàn bạo nên khi luyện dùng tay đánh vào sọ người sống, do đó rất nhiều người bị sát hại, vì vậy mà Cửu âm bạch cốt trảo được dùng cho Cửu âm thần trảo.
Ngoài Mai Siêu Phong và Chu Chỉ Nhược ra, trong tiểu thuyết của Kim Dung chỉ có Dương Khang (đệ tử Mai Siêu Phong) là luyện được bí kíp âm độc này.
Ngoài Cửu âm Thần trảo thì còn có một số chiêu thức, bí pháp sau trong Cửu Âm Chân Kinh như: Dịch cân đoán cốt thiên, Giải huyệt bí pháp, Quy tức đại pháp, Di hồn đại pháp, Tồi tâm chưởng, Xà hình ly phiên thuật, Thủ huy ngũ huyền, Bách xà tiên pháp,Đại Phục Ma Quyền, Loa Toàn Cửu Ảnh, Hoành Không Na Di…
Theo trang tin võ thuật