Tin tức
News
Trang chủ Tin tức

"Cao Sơn Lưu Thủy" - bản nhạc tri âm trong Cửu Âm Chân Kinh

22-12-2014

Non cao nước chảy ngàn năm

Hỏi rằng thiên cổ tri âm ai nào?

 

Sau khi Chung Tử Kỳ chết, Du Bá Nha vẫn đau khổ khôn nguôi, mỗi lần nhìn lại cây đàn vỡ đều không cầm được lệ. Bá Nha khoát tay ra hiệu cho vợ là Hàn Nga hãy đốt cây tàn cầm ấy đi.

Hàn Nga vỗ mặt đàn rạn vỡ, vuốt lại những sợi tơ đứt và buông tiếng thở dài: “Đàn còn thì tình tri âm của chàng và Tử Kỳ còn, hãy giữ nó lại làm kỷ niệm”.

 

 

Đương thời, chuyện Bá Nha và Tử Kỳ gặp nhau rồi trở thành tri âm qua khúc Cao sơn lưu thủy đã lan truyền khắp chốn, từ thị thành đến nông thôn, làm dậy lên một phong khí âm luật.

Các văn nhân nhã sĩ đua nhau kết bạn luyện đàn, rất nhiều người đã tìm đến Bá Nha thỉnh giáo cầm thuật. Dù đã đóng cửa từ khách, nhưng không khi nào sân nhà Bá Nha vắng khách, bởi vậy Bá Nha phải lánh vào núi dựng lều tranh ẩn cư và cất một tiểu đình trên phiến đá kỳ ngộ – nơi gặp gỡ Tử Kỳ khi xưa – ngày ngày ra đó độc ẩm, đến say mới về.

 

Hôm ấy, nhằm ngày giỗ Tử Kỳ, Bá Nha đến tiểu đình, bày đồ cúng lên rồi giở cây tàn cầm trong túi ra vừa vỗ vừa khóc: “Tử Kỳ là Tử Kỳ ơi, Hai ta tình nghĩa muôn đời chẳng phai; Khúc tàn đàn chẳng buông dây, Dao cầm ba thước từ đây chết rồi!”.

Một ngọn lửa bùng lên, Bá Nha trân trân nhìn những ánh lửa nhảy múa trên xác đàn, một làn khói xanh cuộn lên theo gió phiêu tán vào nơi rừng xa núi thẳm, khi như núi cao hùng vĩ, lúc như sông bể dạt dào. Bá Nha nghe như âm vận của khúc Cao sơn lưu thủy văng vẳng bên tai. Tiếng đàn vẫn còn đây mà người xưa chẳng thấy, lệ Bá Nha lại rơi lã chã.

 

 

Khi Bá Nha sắp ném cầm phổ khúc Cao sơn lưu thủy vào ngọn lửa, thì Hàn Nga chạy đến giật lại, nhìn chồng thương cảm và nhẹ nhàng an ủi: “Sao chàng phải khổ như vậy? Thiên hạ bao la, lo gì không tìm được tri âm, thiếp nghe dưới chân núi kia, ven sông cạnh suối hiện có rất nhiều cầm hội cầm hữu, sao chàng không thử xuống kết…”

“Không! Khúc Cao sơn lưu thủy chỉ có ta mới tấu được, và chỉ có Tử Kỳ mới hiểu nổi. Thiên hạ tuy rộng lớn, nhưng toàn những kẻ phàm phu tục tử, làm sao có thể trở thành tri âm của ta? Tri âm không tái ngộ, ta còn giữ cầm phổ lại làm chi nữa!”. Bá Nha ngửa mặt thở dài.

Hàn Nga nói: “Tử Kỳ chẳng phải là một tiều phu đó sao? Đã là khúc nhạc hay, thì chàng nên gảy cho nhiều người cùng thưởng thức, chứ nếu chỉ ngồi yên một chỗ như vậy, thì ai có thể hiểu được âm luật của khúc  Cao sơn lưu thủy, và ai có thể trở thành tri âm của chàng được?”

 

 

Không rõ bằng cách nào, vẫn có người biết được nơi ẩn cư của Bá Nha. Một hôm, có ông lão nọ ôm đàn tìm đến.

Chiếc đàn của ông được bọc trong túi lụa đen, không vương một hạt bụi. Ông lão đặt đàn lên án, chiếc cổ cầm được mở ra sáng lấp lánh, đầu đàn còn treo một phiến ngọc bội. Hàn Nga đến gần, đưa tay dạo qua, tiếng đàn trong vắt, như châu rơi mâm ngọc. Nàng buột miệng: “Hảo cầm!”

 

Ông lão nói: “Tôi rất khâm phục cầm thuật và nhân phẩm của thầy Du, vậy xin tặng thầy cây đàn này. Nhưng tôi có một thỉnh cầu, ấy là thầy có thể truyền nhạc phổ của khúc Cao sơn lưu thủy cho tôi được không?”

Vừa nghe đến cầm phổ, mặt Bá Nha lập tức rở nên lạnh lùng.

Hàn Nga tiếp lấy cây đàn của ông lão và nói: “Ông đã có hảo ý, xin cứ để lại đây”. Hàn Nga giấu cầm phổ vào lòng cây đàn của ông lão và đặt lên án. Còn Bá Nha thì chẳng ngó ngàng gì đến nó nữa, lại ngày ngày đến tiểu đình độc ẩm, than ngắn thở dài, đến khi say mới quay về, không thiết cả ngày tháng ngoài cõi trần gian.

 

 

Bữa nọ, Hàn Nga đi hái rau dại trở về, thấy trên án sách có một phong thư của Bá Nha để lại, rằng:

“Dao cầm chẳng ở nhân gian, Tử Kỳ đã mất ta đàn cho ai! Gió xuân bằng hữu bao người, Tri âm khó gặp ta thời tìm đâu. Hạ sơn một chuyến tiêu dao, Khuyên nàng ở lại đừng sầu vì ta”.

 

Bá Nha lặng lẽ bỏ đi khiến Hàn Nga không khỏi đau lòng, nhưng nghĩ lại tình bằng hữu của chồng và Tử Kỳ, nàng cũng vô cùng cảm động. Thực ra, Hàn Nga cũng rất sành âm luật, thời thiếu nữ, nàng từng được cha dạy đàn. Nhưng sau khi kết duyên cùng Bá Nha, nàng chỉ lo bề nội trợ, quanh quẩn việc bếp núc mà quên mất chuyện luyện đàn. Hàn Nga nâng cây đàn đặt trên án mà ông lão tặng lúc trước xuống, chậm rãi bấm phím so dây, tiếng đàn dìu dặt mênh mang khắp núi rừng, đất đá cỏ cây rung động tựa như có hồi ứng.

Hàn Nga nghĩ: “Sẽ có một ngày Bá Nha trở lại, ta sẽ khiến chàng phải ngạc nhiên”.

 

 

Một năm thấm thoắt trôi qua.

Trên đường trở lại cố hương, Bá Nha bỗng nghe tiếng đàn từ sân nhà bên đường vọng đến, tiếng đàn như xuyên mây xé lụa, réo rắt tựa nước chảy thác tuôn.

Lắng tai định thần, Bá Nha không khỏi kinh ngạc: “Đây chẳng phải chính là điệu khúc Cao sơn lưu thủy đó sao!”

Bá Nha vội tiến vào sân nói với người đang gảy đàn: “Khúc nhạc thầy vừa gảy chính là Cao sơn lưu thủy, tiếc rằng đoạn nước từ thác cao đổ xuống thầy tấu hãy còn tản mạn qúa, hơn nữa âm vận cũng còn thô lược. Chẳng hay đó là khúc phổ của ai?”

Người gảy đàn cúi mình chào Bá Nha và nói: “Tôi là kẻ quê mùa thô lậu, không biết âm luật, chẳng qua là trước đây có đến cầm hội và học mót được mấy nốt mà thôi. Còn cầm phổ đây là do người bạn ở gần đình Trì Âm nghe được và ghi lại, cho nên không được chuẩn chính. Ở đình Tri Âm có người rất giỏi cầm thuật, ông thử đến xem sao!”

 

 

Đình Tri Âm chính là ngôi tiểu đình do Bá Nha dựng lên năm xưa, mà nay không hiểu tại sao lại có kẻ tấu khúc Cao sơn lưu thủy trong đó. Bá Nha ngạc nhiên vô cùng, vội vàng đi như chạy lên núi. Quả là có tiếng đàn văng vẳng truyền đến trong veo như nước đầm mùa thu, lung linh như ánh trăng mùa đông, khiến người nghe như thoát tục lên tiên. Tiếng đàn đưa đường dẫn lối cho Bá Nha, chân Bá Nha bước loạn theo tiếng đàn.

Khi Bá Nha lên đến nơi, thì mặt trời đã gác bóng, trong đình vắng lặng, chỉ còn dư âm của tiếng đàn. Chẳng lẽ là hồn ma bóng quế của Tử Kỳ hiện về gọi mình? Bá Nha nhìn rừng núi mịt mùng chung quanh. Hàn Nga đã đến sau lưng Bá Nha tự lúc nào, vui mừng nói: “Chàng đã về rồi sao? Mau vào nhà, thiếp đã chuẩn bị mọi thứ để chàng tẩy trần. Chàng ra đi chuyến này có tìm được tri âm chăng?”

Bá Nha thở dài, lắc đầu cười buồn bã.

Sáng sớm hôm sau, khi Bá Nha còn chưa thức giấc, lại nghe tiếng đàn từ nơi nào vọng đến, lúc như vàng rơi ngọc vỡ, lúc ào ạt như sông lớn chảy về biển đông, lúc như tiếng rầm rập của ngàn vạn vó ngựa, lúc thiết tha dịu dàng, lúc như tiếng nước chảy qua cầu, lúc tựa tiếng oanh líu lo trên cành liễu…

 

 

Bá Nha vội vã khoác áo chạy ra đình Tri Âm, khúc nhạc đã đến hồi kết vĩ, nhưng người đàn vẫn ngồi đó, mười ngón tay đang vuốt những nốt cuối cùng, rất mực điêu luyện và tự nhiên. Khúc đàn đã kết thúc mà dư âm vẫn vang vọng không cùng. Bá Nha nhìn đăm đắm vào chiếc bóng mảnh dẻ trong đình, đột nhiên lệ tràn chứa chan và bật khóc nức nở. Vì chiếc bóng gầy kia chính là vợ của mình. Đã bao năm chung sống, Bá Nha chưa từng thấy vợ gảy đàn, càng không ngờ ngón đàn của Hàn Nga lại cao diệu đến vậy.

 

Qua một lúc, Hàn Nga mới nói: “Thiên hạ rộng lớn, không phải chỉ có chàng mới có thể tấu được khúc Cao sơn lưu thủy, và cũng không phải chỉ có Tử Kỳ mới có thể hiểu được nó. Cũng không phải là tri âm khó tìm, mà chính là tự ta không đi tìm đó thôi!”

 

 

Bá Nha gạt lệ cảm khái: “Cái gọi là tri âm nghĩa là âm cần phải có người tri, và người tri cần phải hiểu được âm, chúng cùng tồn tại trong tâm linh và tương chiếu lẫn nhau!”.

 

 

Sau đó Bá Nha đem cầm phổ khúc Cao sơn lưu thủy truyền tặng các bạn đàn. Bởi vậy, tuyệt khúc này mới không bị thất truyền và có một ngày trở thành một bản đàn trong Cửu Âm Chân Kinh!

 

Tác giả: Điền Song Linh

ƯU ĐÃI NẠP VÀNG
Code